Contents
Hiện nay, nhân viên kế toán trưởng có vai trò rất quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Do đó, việc đăng ký kế toán trưởng với cơ quan thuế đối với nhiều doanh nghiệp, công ty là rất cần thiết.
Thủ tục đăng ký kế toán trưởng với sở kế hoạch đầu tư
Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị hồ sơ để đăng ký kế toán trưởng bao gồm:
– Một bản sao giấy tờ để có thể chứng thực cá nhân của kế toán trưởng
– Tiếp theo là bản thông báo về thay đổi đăng ký kinh doanh theo mẫu II-1 thông tư 02/2019/TT-BKHĐT
– Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục hoặc bản hợp đồng cung cấp dịch vụ
– Cuối cùng chính là bản sao giấy tờ để có thể chứng thực cá nhân của người nộp hồ sơ
Sau khi đã chuẩn bị đẩy đủ hồ sơ, phía doanh nghiệp có thể đăng ký kế toán trưởng với sở KHĐT bằng cách sau:
Bước 1: Hãy lựa chọn về hình thức nộp hồ sơ bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản ĐKKD. Một lưu ý vô cùng quan trọng là chữ ký số công cộng là chữ ký số cá nhân, không sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp.
Bước 2: Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ theo giống hướng dẫn trên, hãy scan ra file pdf, tạo hồ sơ trên địa chỉ dangkykinhdoanh.gov.vn và gõ mã số doanh nghiệp, sau đó upload các file vừa scan. Tiếp theo là nhập thông tin về kế toán trưởng vào trong phần “người quản lý doanh nghiệp” trên hồ sơ.
Bước 3: Khi nộp hồ sơ đăng ký kế toán trưởng với cơ quan thuế, bên nộp đơn phải ký bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh và đợi kết quả. Phía phòng đăng ký kinh doanh sẽ đưa ra thông báo về hồ sơ hợp lệ hoặc có thể là thông báo sửa đổi bổ sung cho hồ sơ để phía doanh nghiệp được biết trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ.
Bước 4: Nếu như hồ sơ đã hợp lệ thì người nộp hồ sơ sẽ phải nộp bản giấy đến phòng đăng ký kinh doanh để có thể được cấp xác nhận thay đổi thông tin đăng ký thuế.
Thành lập công ty có cần kế toán?
Theo điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP về hướng dẫn luật kế toán có những quy định về kế toán trưởng và phụ trách kế toán như sau:
1. Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
2. Phụ trách kế toán:
a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
Do đó, việc có kế toán trưởng là bắt buộc với các doanh nghiệp theo các quy định về pháp luật, chỉ ngoại trừ với các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Những doanh nghiệp như thế nào được gọi là doanh nghiệp siêu nhỏ? Điều đó được căn cứ theo tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hướng dẫn bởi Chương II Nghị định 39/2018/NĐ-CP gồm:
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Công ty không có kế toán trưởng có bị phạt không?
Theo như Nghị định 41/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kế toán, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/05/2018, các doanh nghiệp nếu như không tổ chức bộ máy kế toán và không bố trí các nhân viên kế toán, kế toán trưởng hoặc thuê các cá nhân, tổ chức có kinh doanh dịch vụ kế toán về làm kế toán trưởng cho doanh nghiệp theo quy định pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu – 20 triệu đồng.
Trước đó, theo Nghị định 105/2013/NĐ-CP, từ khi có hiệu lực đến khi kết thúc ngày 30/04/2018, vi phạm của doanh nghiệp được nêu trên sẽ bị phạt từ 05 triệu đồng – 10 triệu đồng.
Vai trò của kế toán trưởng đối với doanh nghiệp
4.1 Kế toán trưởng có những vai trò rất quan trọng trong việc điều hành doanh nghiệp như:
– Quản lý những nhân viên kế toán khác.
– Kế toán trưởng sẽ là người có vai trò điều tra và giám sát việc sử dụng nguồn tài chính cũng như nhân lực của doanh nghiệp đó theo cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, kế toán trưởng cần tổng hợp, sắp xếp hợp lý để trình bày, báo cáo trước toàn bộ ban điều hành công ty.
– Tổng hợp và phân tích lại tất cả nguồn tài chính của doanh nghiệp bằng cách giám sát các hoạt động buôn bán của doanh nghiệp mình.
– Có nhiệm vụ xây dựng và trình bày những kế hoạch về công việc, giấy tờ do bộ phận kế toán phụ trách, để quá trình kiểm kê một cách hiệu quả nhất.
– Ngoài ra, kế toán trưởng còn mang đến sự đảm bảo về tuân thủ những nguyên tắc và luật định do nhà nước yêu cầu về doanh nghiệp.
– Tổ chức công việc kiểm kê tất cả tài sản cũng như các nguồn tài sản khác của doanh nghiệp.
– Phải luôn đảm bảo được tính hợp pháp và chính xác nhất đối với việc lập sổ sách tài liệu kế toán. Việc tính toán giá thành của sản phẩm, mức lương, vấn đề về thuế, bảo hiểm hoặc công nợ với chủ đầu tư, ngân hàng, đối tác cũng luôn cần được quan tâm.
– Kế toán trưởng chính là người kiểm soát toàn bộ quy trình lập tài liệu sổ sách về tài chính.
– Đưa ra những giải pháp tức thời, lâu dài về mặt tài chính cho doanh nghiệp, hoặc tư vấn tài chính cho ban lãnh đạo của doanh nghiệp đó để có thể đảm bảo nguồn lợi nhuận tiền tệ cho doanh nghiệp.
– Thực hiện giao dịch quan trọng với ngân hàng đối với việc vay tín dụng, đảm nhiệm vai trò là người ngoại giao của doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
– Cuối cùng chính là đưa ra những kiến nghị cần thiết để phòng ngừa nhiều rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời đưa ra những giải pháp tối ưu để thu hút được nguồn tài chính cho ngân sách doanh nghiệp.
4.2 Quyền hạn của kế toán trưởng trong doanh nghiệp
– Phổ biến lại những chủ trương do ban lãnh đạo yêu cầu về công việc.
– Chính là người chỉ đạo, dẫn dắt về kiến thức chuyên môn cho những kế toán viên khác trong công ty.
– Ký duyệt những tài liệu liên quan đến kế toán hoặc văn bản có sử dụng nghiệp vụ của bộ phận kế toán.
– Tham gia vào quá trình tuyển dụng những vị trí liên quan đến tài chính trong doanh nghiệp như: kế toán viên, thủ kho, thủ quỹ trong doanh nghiệp,…
Tùy thuộc vào từng doanh nghiệp mà kế toán trưởng sẽ nắm giữ những quyền hạn khác.
Trên đây chính là những hướng dẫn đăng ký kế toán trưởng với cơ quan thuế cùng với những thông tin quan trọng liên quan đến kế toán để bạn có thể tham khảo thêm.