Bạn đang cần vốn nhưng băn khoăn không biết rằng vay ngân hàng có phải mua bảo hiểm không? Hãy cùng Kế Toán Trưởng 247 giải đáp thắc mắc này với thông tin mới nhất 2024 trong bài viết sau đây nhé!
Contents
Vay ngân hàng có phải mua bảo hiểm không?
Câu trả lời là bạn không bị bắt buộc mua bảo hiểm khi đăng ký vay vốn tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác. Căn cứ theo điều 8 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 (Đề cập về những loại bảo hiểm bắt buộc) và thông tư Thông tư 39/2016/TT-NHNN (quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng và Tổ chức tín dụng), không có bất cứ quy định nào bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm khoản vay khi thực hiện vay vốn. Do đó, việc mua bảo hiểm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện, nhu cầu thực tế và khả năng tài chính của khách hàng.
Bảo hiểm khoản vay là gì và có tác dụng gì?
Bảo hiểm khoản vay là một loại bảo hiểm mà người vay có thể mua để bảo vệ khoản vay của mình trong trường hợp xảy ra những rủi ro gây mất khả năng trả nợ tạm thời hoặc vĩnh viên như: tử vong, tai nạn, mất việc, bệnh tật, khủng hoảng tài chính… Khi có bảo hiểm khoản vay, người vay sẽ được công ty bảo hiểm thanh toán số tiền vay còn lại cho ngân hàng, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người vay và gia đình.
Bảo hiểm khoản vay có tác dụng bảo vệ người vay khỏi những rủi ro không mong muốn, giúp người vay an tâm hơn khi vay ngân hàng. Ở chiều ngược lại, bảo hiểm khoản vay cũng có lợi cho ngân hàng, vì ngân hàng sẽ không phải đối mặt với rủi ro mất vốn khi người vay không trả nợ được. Bảo hiểm khoản vay cũng giúp ngân hàng tăng khả năng cho vay, giảm chi phí quản lý nợ xấu, nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ.
Có những loại bảo hiểm khoản vay nào hiện nay?
Hiện nay, có hai loại bảo hiểm khoản vay chính là bảo hiểm khoản vay tín chấp và bảo hiểm khoản vay thế chấp.
- Bảo hiểm khoản vay tín chấp: Bảo hiểm khoản vay tín chấp là loại bảo hiểm áp dụng cho những khoản vay không cần tài sản đảm bảo, như vay tiêu dùng, vay cá nhân, vay thẻ tín dụng…
- Bảo hiểm khoản vay thế chấp: Bảo hiểm khoản vay thế chấp là loại bảo hiểm áp dụng cho những khoản vay thế chấp có tài sản đảm bảo, như: vay thế chấp nhà, vay thế chấp sổ đỏ, vay thế chấp ô tô,….
Nguyên tắc cho vay vốn theo quy định hiện hành
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, nguyên tắc cho vay vốn giữa ngân hàng/tổ chức tín dụng và khách hàng cần đảm bảo theo quy định sau:
- Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng.
Chế tài đối với ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay
Như đã đề cập ở trên, bảo hiểm khoản vay không thuộc nhóm bảo hiểm bắt buộc. Do đó, ngân hàng không được ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay, mà phải tôn trọng nhu cầu thực tế của khách hàng.
Trong trường hợp nhân viên hoặc nhân hàng/tổ chức tín dụng có hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo điểm đ khoản 2 và khoản 3, 4 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP:
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
…
đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.
Trên đây là toàn bộ giải đáp mới nhất 2024 của Kế Toán Trưởng 247 cho thắc mắc “Vay ngân hàng có phải mua bảo hiểm không?” và những thông tin liên quan đến loại bảo hiểm này theo quy định pháp luật nước ta. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ có những kiến thức cần thiết để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho mình khi vay vốn tại ngân hàng. Chúc bạn thành công!